Sản phẩm Ocop là gì? Tham gia Ocop cần những tiêu chí gì?

Chương trình Ocop đang được thực hiện rộng rãi trên khắp các tỉnh thành đã đạt được nhiều hiệu quả, vậy sản phẩm Ocop là gì? những tiêu chí cần có để tham gia Ocop?

OCOP là gì? Chương trình OCOP là gì?

Sản phẩm Ocop là gì?

Sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc trưng, truyền thống gắn với cộng đồng địa phương thuộc 6 nhóm sản phẩm:

  • Thực phẩm: Thực phẩm tươi sống, sơ chế, thô, Thực phẩm chế biến, chè, gia vị, cao cao, cà phê.
  • Đồ uống: Đồ uống có cồn và không cồn.
  • Thảo dược: Là sản phẩm có thành phần đến từ cây dược liệu.
  • Vải và may mặc: Là các sản phẩm được làm từ bông, sợi.
  • Quà lưu niệm – Nội thất – Trang trí: Sản phẩm từ gỗ, sợi, dệt may, kim loại, mê tre, gốm, sứ,… làm đồ lưu niệm, gia dụng.
  • Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch: Các sản phẩm về dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí, nghiên cứu, học tập,…

Tùy theo điều kiện, tiềm năng và lợi ích mà các địa phương lựa chọn sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương để ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP, vừa để phát triển kinh tế vừa để quảng bá, sáng tạo niềm tự hào của cộng đồng.

Chương trình OCOP là gì?

Chương trình OCOP, tên tiếng Anh là One Commune One Product – OCOP là Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Tiêu chí công nhận sản phẩm OCOP

Tiêu chí để một sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP được Chính phủ quy định rõ tại Quyết định 148/QĐ-TTg như sau:

Phần A: Nhóm các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm)

  • Tổ chức sản xuất: phải sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương; gia tăng giá trị sản phẩm theo hướng sản phẩm chế biến, chế biến sâu; mở rộng quy mô sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; đảm bảo bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

  • Phát triển sản phẩm: sản phẩm được phát triển dựa theo truyền thống địa phương

  • Sức mạnh cộng đồng: khuyến khích sản xuất theo mô hình chung như hợp tác xã; khuyến khích sử dụng lao động địa phương; tổ chức kinh doanh hiệu quả và minh bạch

Phần B: Nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm)

  • Tiếp thị: khuyến khích có kênh phân phối sản phẩm từ địa phương tới quốc tế; có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến; các hoạt động quảng bá được tổ chức một cách chuyên nghiệp với tần suất thường xuyên để tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm.

  • Câu chuyện về sản phẩm: khuyến khích câu chuyện về sản phẩm hoàn chỉnh, trình bày bài bản, ấn tượng đặc sắc, mang sắc thái của địa phương

Phần C: Nhóm tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm)

  • Cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo: đạt chuẩn chất lượng theo yêu cầu của từng loại sản phẩm

  • Tiêu chuẩn sản phẩm: sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn và công bố theo quy định của pháp luật

  • Khả năng xuất khẩu: khuyến khích các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế

Phân hạng sản phẩm

Sản phẩm sau khi được đánh giá theo Bộ tiêu chí OCOP sẽ được phân thành 05 hạng:

  • Hạng 5 sao(90-100 điểm): sản phẩm đặc trưng có tiêu chuẩn chất lượng cao, đạt điều kiện để xuất khẩu

  • Hạng 4 sao (70-90 điểm): sản phẩm đặc trưng, đảm bảo yêu cầu chất lượng, có khả năng tiếp cận thị trường tốt, tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 5 sao

  • Hạng 3 sao (50-70 điểm): sản phẩm đặc thù, có lượng tiêu thụ ổn định, tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 4 sao

  • Hạng 2 sao (30-50 điểm): sản phẩm đang bắt đầu hình thành chất lượng cụ thể, có tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 3 sao

  • Hạng 1 sao (1-30 điểm): sản phẩm sơ khai, chưa được đưa vào tiêu thụ rộng rãi, có tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 2 sao

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *